Thay đổi nếp nghĩ: Tư duy sản xuất từ lúa hữu cơ

Thay đổi nếp nghĩ: Tư duy sản xuất từ lúa hữu cơ

Hết năm, chú ý những chính sách môi trường có hiệu lực từ 2022
Xót Xa cảnh gần 1300 con Lợn bất ngờ chết cháy tại Nghệ An
Canada: Saskatchewan muốn hợp tác với Việt Nam khai thác đất hiếm
Nước ngoài dùng 'bột lạ' làm bò tăng 100kg/tháng trước khi đưa về Việt Nam
Đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái.

Thay đổi tư duy sản xuất

Vụ đông xuân 2020 - 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ tại HTX An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân.

Mô hình được thực hiện với quy mô 10 ha, 50 hộ tham gia. Sau khi chọn điểm trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, đặc biệt là kỹ thuật ủ phân hữu cơ.

Việc triển khai ủ phân hữu cơ được triển khai sớm (ngay từ vào tháng 11/2020). Đồng thời cán bộ kỹ thuật đã phối hợp với UBND xã, Ban quản trị HTX để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu của chương trình. Quy trình sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ hàng, giống lúa HC95 có phẩm cấp, năng suất cao, chất lượng tốt.

 

 

Thạc sỹ Trần Thị Thúy, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình cho biết trong quá trình gieo trồng, đã hướng dẫn các hộ dân làm kỹ đất, tạo mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước trước khi gieo. Đảm bảo ngâm ủ giống đúng kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra mầm, khi mầm dài bằng 1/3 hạt lúa (nứt nanh gai dứa), rễ dài bằng ½ hạt lúa là gieo.

Lúa được gieo bằng công cụ sạ hàng, lượng giống gieo cho 1 sào (500 m2) là 3,5 kg. Sử dụng phân bón hữu cơ ủ để bón lót và phân hữu cơ trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Lúa không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học khi có sâu bệnh xảy ra. Chế độ nước tưới khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa. Phân bón được bón vào 4 thời kỳ sinh trưởng phát triển chính của cây lúa...

Tính cho 1 ha, lượng phân cho các lần bón như sau: Bón lót bón trước khi bừa lần cuối với lượng phân hữu cơ hoai mục 6-7 tấn, phân hữu cơ vi sinh 500 kg, phân khoáng 300 kg; bón thúc lần 1 lúc lúa 20 ngày sau khi gieo với lượng phân khoáng: 500 kg; bón thúc lần 2 lúc lúa 32-35 ngày sau khi gieo với lượng phân khoáng 400 kg; bón thúc lần 3 lúc lúa 62 ngày sau khi gieo, kết hợp phun phân bón lá với lượng phân khoáng 300 kg, phân bón lá 40 gói.

Lợi ích nhiều mặt

Trong quá trình sản xuất lúa, nếu sử dụng phân vô cơ nhiều năm, không bổ sung phân bón hữu cơ cũng như lạm dụng phân vô cơ, sẽ đem lại tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người...

Việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái.

Về lâu dài, sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn. Trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

Về mặt kinh tế, năng suất ước tính 57 tạ/ha đối với giống HC95, với giá bán 9.000 đ/kg, cho lợi nhuận 25 – 27 triệu đồng/ha, cao hơn so với đại trà 10-15%. Bên cạnh đó, giảm lượng giống gieo sạ bằng cách sử dụng công cụ sạ hàng, làm cho cây lúa mọc khỏe, cân đối, đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Về mặt môi trường, sinh thái, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng, kết hợp với phân chuồng, chế phẩm phân hủy gốc rạ, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng… cùng sinh sống trên ruộng lúa.

Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

Fanpage facebook